Ngày quốc tế Phụ nữ và trẻ em gái trong khoa học

Năm 2015, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã tuyên bố chọn ngày 11 tháng 02 hàng năm là Ngày quốc tế phụ nữ và trẻ em gái trong khoa học. Ngày được tổ chức trên toàn thế giới như một thời điểm để thúc đẩy quyền tiếp cận và tham gia khoa học đầy đủ và bình đẳng cho phụ nữ và trẻ em gái.

"Ngày nay, chỉ có 1/3 nhà nghiên cứu khoa học và kỹ thuật trên thế giới là nữ giới" - António Guterres, Tổng thư ký Liên hợp quốc cho biết trong một tuyên bố. "Các rào cản về cấu trúc và xã hội ngăn cản phụ nữ và trẻ em gái tham gia và tiến bộ trong khoa học…. Sự bất bình đẳng này đang tước đi nguồn tài năng và sự đổi mới to lớn chưa được khai thác trên thế giới của chúng ta. Chúng ta cần quan điểm của phụ nữ để đảm bảo khoa học và công nghệ có hiệu quả với tất cả mọi người".

"Tôi đã dạy kỹ thuật. Tôi biết từ kinh nghiệm cá nhân rằng phụ nữ và nam giới trẻ tuổi đều có khả năng như nhau và đều bị cuốn hút bởi khoa học, tràn đầy ý tưởng và sẵn sàng đưa thế giới của chúng ta tiến lên" - Guterres nói. "Nhân ngày quốc tế Phụ nữ và Trẻ em gái trong Khoa học này, tôi kêu gọi mọi người tạo ra một môi trường nơi phụ nữ có thể nhận ra tiềm năng thực sự của mình và các cô gái ngày nay trở thành những nhà khoa học và nhà đổi mới hàng đầu của ngày mai, định hình một tương lai công bằng và bền vững cho tất cả mọi người".

Chúng ta không thể phụ nhận được vai trò và tầm quan trọng những đóng góp của nữ giới trong khoa học trong nhưng năm gần đây. Mặc dù tỷ lệ nữ giới trong các tổ chức khoa học còn khá khiêm tốn, nhưng chính sự quan tâm của xã hội đã tạo ra nhiều cơ hội cho nữ giới phát triển trong lĩnh vực của họ. Chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng: "Nữ giới không bao giờ thua kém so với nam giới trong lĩnh vực khoa học, thậm chí ở một số chuyên ngành, họ thậm chí còn phát huy tốt hơn so với nam giới". Bằng chứng mà chúng ta thấy có những nhà khoa học nữ giới có tầm ảnh hưởng trên thế giới trong những năm qua, bao gồm:

  1. Aurélia Nguyen - Giám đốc điều phối chương trình Covax. Bà là người phụ nữ gốc Việt được bổ nhiệm làm giám đốc điều hành Covax hồi tháng 10/2020. Trong vai trò giám đốc điều hành, bà Aurélia Nguyen có nhiệm vụ đảm bảo vaccine, loại vũ khí cứu người và chấm dứt đại dịch Covid-19, đến được nhiều người nhất trên thế giới, đảm bảo tiếp cận vaccine công bằng và bình đẳng cho khoảng 190 nền kinh tế toàn cầu. Bà Aurélia Nguyen giám sát việc sử dụng ngân sách 6 tỷ USD do 98 nước giàu đóng góp cho COVAX để phục vụ mục đích này. Từ tháng 11/2020, bà dẫn dắt sứ mệnh đảm bảo và phân phối vaccine miễn phí cho gần 92 quốc gia có nguồn lực thấp, ngân sách không đủ đặt mua vaccine. Covax cũng phải cạnh tranh với những nước giàu để có được nguồn cung vaccine cần thiết.

  2. Có rất ít cá nhân để lại nhiều thành tựu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo ở thế kỉ 21 như Fei-Fei Li. Vào năm 2007, Li đã hình thành và dẫn đầu dự án ImageNet, một cơ sở dữ liệu gồm hàng triệu hình ảnh được gắn nhãn đã thay đổi toàn bộ quỹ đạo của AI. Thông tin chi tiết trước về ImageNet là các bộ dữ liệu khổng lồ — hơn cả các thuật toán cụ thể — sẽ là chìa khóa để giải phóng tiềm năng của AI. Kể từ đó, Li đã trở thành giáo sư tại Stanford, từng là Nhà khoa học trưởng về AI / ML tại Google Cloud, đứng đầu phòng thí nghiệm AI của Stanford, tham gia Hội đồng quản trị tại Twitter, đồng sáng lập tổ chức phi lợi nhuận nổi tiếng AI4ALL và thành lập Viện AI lấy con người làm trung tâm của Stanford.

  3. Joy Buolamwini là nhà sáng lập của Algorithmic Justice League (một tổ chức kết hợp giữa nghệ thuật và nghiên cứu để làm sáng tỏ những tác hại và ý nghĩa xã hội của trí tuệ nhân tạo). Là một trong những phụ nữ tiên phong nghiên cứu về "tính thiên vị" trong công nghệ nhận dạng khuôn mặt kể từ khi còn là sinh viên tại Học viện Công nghệ Massachusetts - MIT (Mỹ), Buolamwini được mệnh danh là "chân lý của cách mạng công nghệ AI". Microsoft, Amazon và IBM từng đình chỉ tính năng nhận dạng khuôn mặt trong năm nay vì kết quả nghiên cứu của Buolamwini. Bà là phụ nữ đi đầu trong lĩnh vực xác định và giải quyết các vấn đề hậu quả của trí tuệ nhân tạo đối với xã hội, một trong số đó là định kiến chủng tộc và giới tính được tích hợp trong hệ thống nhận dạng khuôn mặt.

  4. Claire Delauney từng đảm nhiệm vị trí trưởng nhóm kỹ thuật tại nhiều tập đoàn lớn như Google, Uber rồi đến NVIDIA (một tập đoàn đa quốc gia, chuyên về phát triển bộ xử lý đồ họa và công nghệ chipset cho các máy trạm, máy tính cá nhân và các thiết bị di động, có trụ sở tại Mỹ). Cô cũng là đồng sáng lập và là lãnh đạo kỹ thuật tại Otto (Mỹ). Trong vai trò hiện tại của cô tại NVIDIA, Delaunay tập trung vào việc xây dựng các công cụ và nền tảng để cho phép triển khai các máy tự động trên quy mô lớn.

  5. Đảm nhiệm vai trò Giám đốc điều hành và đồng sàng lập tại Affectiva, Rana el Kaliouby dành toàn bộ sự nghiệp của mình cống hiến cho công trình phát triển cảm xúc của trí tuệ nhân tạo. Cô được đánh giá là người tiên phong trong lĩnh vực hỗ trợ phát triển mảng cảm xúc cho AI. Năm 2009, cô đồng sáng lập công ty khởi nghiệp Affectiva với tư cách là một sản phẩm phụ của MIT nhằm phát triển các hệ thống máy học có khả năng hiểu được cảm xúc của con người. Ngày nay, công nghệ của công ty được sử dụng rộng rãi trong phân tích phương tiện truyền thông, nghiên cứu hành vi người tiêu dùng và các trường hợp sử dụng ô tô. Chia sẻ với Forbes, cô cho biết "Nhiệm vụ của đời tôi là mang tính nhân văn đến cho AI trước khi nó "tẩy" nhân tính của chúng ta".

  6. Sự nghiệp của Daphne Koller là mối liên hệ cộng sinh giữa học thuật và trí tuệ nhân tạo. Bà là Giám đốc điều hành và là nhà sáng lập của Insitro (Mỹ). Insitro là một công ty khởi nghiệp áp dụng máy học để chuyển đổi việc khám phá và phát triển dược phẩm. Koller là giáo sư tại Stanford từ năm 1995, tập trung vào nghiên cứu máy móc. Năm 2012, cô đồng sáng lập công ty khởi nghiệp công nghệ giáo dục Coursera. Ngày nay, Coursera được định giá 2,6 tỷ USD. Bàn về lời khuyên dành cho những người mới bắt đầu trong lĩnh vực AI: “Hãy chọn một ứng dụng AI thực sự quan trọng, thực sự đáng giá về mặt xã hội và sau đó làm việc chăm chỉ để thực sự hiểu lĩnh vực đó. Tôi tạo ra được Insitro ngày nay tất cả nhờ vào 20 năm học sinh học. Một lĩnh vực mà tôi có thể gợi ý cho những người trẻ ngày nay là năng lượng và môi trường".

  7. Là nhà sáng lập và đối tác quản lý của Gradient Ventures, Anna Patterson dẫn đầu một sự nghiệp nổi bật trong việc phát triển và triển khai các sản phẩm AI, cả tại các công ty công nghệ lớn và các công ty khởi nghiệp. Là Giám đốc điều hành lâu năm tại Google, Patterson đã lãnh đạo các nỗ lực trí tuệ nhân tạo trong nhiều năm với tư cách là Phó Giám đốc Kỹ thuật của công ty. Vào năm 2017, cô đã ra mắt quỹ đầu tư mạo hiểm về AI của Google có tên Gradient Ventures. Ngày nay, cô đầu tư vào các công ty khởi nghiệp AI giai đoạn đầu.

  8. Daniela Rus là Giám đốc tại Phòng thí nghiệm Khoa học Máy tính và Trí tuệ Nhân tạo của MIT (CSAIL) và cũng là một trong những nhà chế tạo robot hàng đầu thế giới. Cô là giáo sư MIT và là nữ trưởng phòng đầu tiên của MIT’s Computer Science and Artificial Intelligence Lab (CSAIL), một trong những phòng nghiên cứu AI lớn nhất và uy tín nhất trên thế giới. Nghiên cứu đột phá của Rus đã nâng cao trình độ nghệ thuật trong các robot cộng tác được nối mạng (robot có thể làm việc cùng nhau và giao tiếp với nhau), robot tự cấu hình lại (robot có thể tự động thay đổi cấu trúc để thích ứng với môi trường của chúng) và robot mềm (robot không có thân cứng). Chia sẻ với Forbes, cô cho biết "AI cũng không khác gì một công cụ, về bản chất không tốt cũng không xấu. Điều quan trọng là chúng ta có thể làm những điều tích cực hơn với AI".

  9. Shivon Zilis là thành viên hội đồng quản trị trẻ nhất tại OpenAI, phòng thí nghiệm nghiên cứu có ảnh hưởng đằng sau những đột phá như GPT-3. Ngoài ra, Shivon Zilis đã dành thời gian cho các nhóm lãnh đạo của một số công ty ở vị trí cạnh tranh của AI: OpenAI, Neuralink, Tesla, Bloomberg Beta. Với nhiều đóng góp cho lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, Zilis được xem là một trong 8 gương mặt phụ nữ tiên phong phát triển công nghệ này.

  10. PGS Trần Thị Lý đang công tác tại khoa Nghệ thuật và Giáo dục, Đại học Deakin, Úc đã vinh dự được trao Giải thưởng Noam Chomsky - Ngôi sao tỏa sáng về Thành tựu trong nghiên cứu 2020. PGS Trần Thị Lý sinh năm 1975, quê ở Quảng Trị là nhà khoa học có tiếng với nhiều đóng góp lớn trong lĩnh vực nghiên cứu học thuật và giảng dạy. Năm 2019, bà từng được tạp chí Forbes Việt Nam công bố là một trong 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam. PGS Lý tốt nghiệp Đại học Khoa học Huế vào năm 1997. Đến năm 2001, bà được Chính phủ Australia cấp học bổng đào tạo thạc sĩ tại đại học nổi tiếng Monash University. Một năm rưỡi sau, bà bảo vệ luận văn thạc sĩ và nhận tấm bằng hạng ưu cùng giải thưởng sinh viên quốc tế xuất sắc nhất ngành Giáo dục của trường. Trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học và giảng dạy, PGS-TS Trần Thị Lý giành hơn 30 giải thưởng và học bổng nghiên cứu từ các hiệp hội quốc tế, quốc gia cho thành tích xuất sắc về nghiên cứu khoa học, giảng dạy và học tập.

  11. Là một trong 3 nhà khoa học xuất sắc đại diện của Việt Nam có mặt trong top 100 nhà khoa học tiêu biểu Châu Á năm 2020, TS Trần Thị Hồng Hạnh - Viện Hóa sinh biển, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam được vinh danh vì những nỗ lực không ngừng trong lĩnh vực nghiên cứu hóa học, hóa sinh hữu cơ. Các công trình nghiên cứu của TS Trần Thị Hồng Hạnh góp phần giúp chuẩn hóa phương pháp xác định, đánh giá và tìm kiếm những nguồn dược liệu mới cho Việt Nam và thế giới một cách bền vững. Được biết, TS Trần Thị Hồng Hạnh là tác giả, đồng tác giả của 39 bài báo quốc tế trên các tạp chí ISI, 8 công trình trên các tạp chí chuyên ngành trong nước, chủ sở hữu của 1 bằng đọc quyền sáng chế. Không chỉ vậy, bà đã chủ nhiệm 2 đề tài cấp Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam, 2 đề tài cấp cơ sở được nghiệm thu xuất sắc. Bà còn là một trong 3 nhà khoa học nữ được nhận giải thưởng L’Oreal năm 2019. Ở tuổi 40 nhưng TS Trần Thị Hồng Hạnh đã có được những thành công mà bất cứ nhà khoa học hằng ước mơ, đặc biệt là các nhà khoa học nữ.

  12. GS Nguyễn Thị Kim Thanh hiện công tác tại Đại học University College London (UCL) đã vinh dự nhận huy chương Rosalind Franklin của Royal Society ở London, Anh với những thành tựu có tầm ảnh hưởng lớn về nghiên cứu khoa học ứng dụng vật liệu nano trong lĩnh vực y sinh, chăm sóc sức khỏe. Rosalind Franklin là giải thưởng được trao cho các cá nhân có đóng góp nổi bật trong lĩnh vực Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học (STEM) và nhằm khuyến khích vai trò của phụ nữ trong STEM. Dự án của GS Nguyễn Thị Kim Thanh là đề xuất tổ chức trại hè khoa học để truyền cảm hứng và thúc đẩy các em học sinh lớp 8, chủ yếu là nữ, từ các gia đình nghèo ở London, chọn các môn khoa học tự nhiên cho chương trình GCSE (cấp hai). Bà là giáo sư người Việt đầu tiên tại UCL, chuyên ngành vật liệu nano tại Phòng thí nghiệm UCL Nanomaterials Laboratory, đặt tại Viện Royal Institution và Nhóm sinh lý (biophysics), Khoa Vật lý và Thiên văn, Đại học University College London, Anh. GS Thanh tốt nghiệp chuyên ngành Hóa học tại ĐH Quốc gia Hà Nội năm 1992. Sau đó, bà đi du học và bắt đầu sự nghiệp nghiên cứu quốc tế có uy tín tại Hà Lan, Mỹ và Anh. Từ năm 2013, GS Thanh đảm nhận vị trí giáo sư tại ĐH College London và dẫn đầu một nhóm thực hiện nghiên cứu liên ngành tiên tiến về thiết kế và tổng hợp vật liệu nano cho ứng dụng y sinh. Hiện, GS Thanh vẫn đang hợp tác nghiên cứu với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Mặc dù không thể liệt kê ra được hết tất cả danh sách những Nhà khoa học nữ trên toàn thời giới. Nhưng nhân dịp Ngày quốc tế Phụ nữ và Trẻ em gái trong khoa học năm nay, tôi xin gửi lời chúc và bày tỏ sự biết ơn đối với những đóng góp vô cùng to lớn của những Nhà khoa học nữ trên toàn thế giới.

Chú ý: Bài viết được tôi tham khảo, tổng hợp và biên tập lại.

Tài liệu tham khảo:

  1. Full and equal access and participation for women and girls in science. (n.d). United Nations. https://www.un.org/en/observances/women-and-girls-in-science-day
  2. Thiều Trang, Bích Hà. (02/11,2021). 4 nhà khoa học Việt Nam được vinh danh trên thế giới năm 2020. Báo Lao Động. https://laodong.vn/giao-duc/4-nha-khoa-hoc-viet-nam-duoc-vinh-danh-tren-the-gioi-nam-2020-877969.ldo
  3. 8 phụ nữ đi đầu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. (12/15,2020). ICT News - VietNamNet. https://ictnews.vietnamnet.vn/cuoc-song-so/8-phu-nu-di-dau-trong-linh-vuc-tri-tue-nhan-tao-272300.html
  4. McDevitt N,. (Feb 10, 2022). February 11: International Day of Women and Girls in Science. McGill Reporter. https://reporter.mcgill.ca/february-11-international-day-of-women-and-girls-in-science/
Đăng ngày: 11/02/2022
Tác giả: Tan H. Nguyen
Từ khóa: Nhà khoa học nữ, Ngày phụ nữ và trẻ em gái trong khoa học

Bình luận