Webinar về Khoa học mở & Triển khai trong xuất bản mở

Như các bạn đã biết tại Hội nghị lần thứ 41 của UNESCO được tổ chức từ ngày 9 - 24/ 11/ 2021 tại Paris, Pháp đã thông qua Khuyến nghị về Khoa học mở. Theo đó, các quốc gia thành viên áp dụng các điều khoản của “Khuyến nghị khoa học mở” bằng việc tiến hành các bước thích hợp để ban hành các hướng dẫn cụ thể về việc triển khai những chính sách phù hợp với thể chế và hiến pháp của mỗi quốc gia.

Trong văn bản này, UNESCO đã đưa ra 07 mục tiêu mà các quốc gia thành viên cần phải tuân theo, bao gồm:

  1. Thúc đẩy sự hiểu biết chung về khoa học mở, những lợi ích, thách thức có liên quan, cũng như các con đường khác nhau dẫn tới khoa học mở. Các quốc gia thành viên được khuyến nghị thúc đẩy, hỗ trợ sự hiểu biết chung về khoa học mở như được định nghĩa ở trên. Cần có chiến lược, kế hoạch hỗ trợ nâng cao nhận thức về khoa học mở ở cấp độ cơ sở, quốc gia và khu vực trong khi tôn trọng sự đa dạng trong tiếp cận và thực hành khoa học mở.

  2. Phát triển và xúc tác môi trường chính sách cho khoa học mở, bao gồm: môi trường ở mức cơ sở, quốc gia, khu vực, quốc tế để hỗ trợ vận hành khoa học mở và triển khai hiệu quả các thực hành khoa học mở.

  3. Đầu tư vào các hạ tầng và dịch vụ khoa học mở. Khoa học mở đòi hỏi đo lường sự đầu tư có hệ thống, có chiến lược dài hạn vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong đó nhấn mạnh đầu tư vào các hạ tầng kỹ thuật và các dịch vụ có liên quan. Các đầu tư đó nên bao gồm cả nguồn lực tài chính và con người. Coi khoa học như hàng hóa chung toàn cầu, các dịch vụ khoa học mở nên được coi trọng như hạ tầng nghiên cứu cơ bản, được cộng đồng điều chỉnh, sở hữu và được chính phủ, các nhà đầu tư cùng nhau cấp vốn.

  4. Đầu tư vào nguồn nhân lực, đào tạo, giáo dục và xây dựng năng lực cho khoa học mở. Việc biến đổi thực hành khoa học để thích nghi với những thay đổi, thách thức, các cơ hội, rủi ro của kỷ nguyên số trong thế kỷ XXI đòi hỏi nghiên cứu có chủ đích, giáo dục và đào tạo các kỹ năng được yêu cầu cho các công nghệ mới, đạo đức và các thực hành của khoa học mở.

  5. Thúc đẩy văn hóa và điều chỉnh các ưu đãi cho khoa học mở. Các quốc gia thành viên tùy theo các điều kiện đặc thù được khuyến nghị tham gia tích cực vào việc loại bỏ các rào cản đối với khoa học mở, đặc biệt là các rào cản liên quan tới các hệ thống đánh giá. Các quốc gia cũng nên chú ý tới việc ngăn ngừa và làm giảm bớt các hệ quả tiêu cực ngoài ý muốn của các thực hành khoa học mở, như các hành vi chuyển đổi dữ liệu, khai thác và tư nhân hóa dữ liệu nghiên cứu, các chi phí gia tăng đối với các nhà khoa học, các khoản phí xử lý bài báo cao liên quan tới các mô hình kinh doanh nhất định trong xuất bản khoa học có thể gây ra sự bất bình đẳng cho các cộng đồng khoa học khắp nơi trên thế giới…

  6. Thúc đẩy các tiếp cận đổi mới sáng tạo cho khoa học mở ở các giai đoạn khác nhau của quy trình khoa học. Khoa học mở đòi hỏi những thay đổi liên quan tới văn hóa, phương pháp luận, cơ sở và hạ tầng khoa học, các nguyên tắc, các thực hành của nó mở rộng tới toàn bộ vòng đời nghiên cứu. Khoa học mở đang liên tục phát triển và các thực hành mới sẽ nổi lên trong tương lai.

  7. Thúc đẩy hợp tác quốc tế. Để thúc đẩy khoa học mở toàn cầu, các quốc gia thành viên nên thúc đẩy và tăng cường hợp tác quốc tế giữa tất cả các tác nhân của khoa học mở, bất kể là dựa trên cơ sở song phương hay đa phương.

Để phổ biến những khuyến nghị này, ngày 15/ 03/ 2022, Hiệp hội Xuất bản Học thuật Truy cập mở (Open Access Scholarly Publishing Association - OASPA) sẽ tổ chức webinar giới thiệu Khuyến nghị của UNESCO về Khoa học mở và triển khai trong xuất bản mở tại Anh với những nội dung như sau:

  • Các nhà xuất bản sẽ áp dụng và triển khai những khuyến nghị của UNESCO về khoa học mở như thế nào?

  • Những thay đổi về chính sách khoa học mở của các nhà xuất bản có thể ảnh hưởng ra sao đến hoạt động công bố khoa học của các nhà nghiên cứu?

Các bạn quan tâm đến webinar này có thể tham khảo một số thông tin bên dưới để có thể tham gia:

  1. Thời gian diễn ra webinar: 2 - 3.15 (theo giờ UTC), tức 21.00 giờ Việt Nam.

  2. Ngày diễn ra webinar: 15/ 03/ 2022

  3. Phí tham gia: MIỄN PHÍ

  4. Hình thức: Trực tuyến trên nền tảng Zoom

  5. Đường dẫn đăng ký: Tham gia webinar tại đây.

  6. Đường dẫn thông tin: Xem thêm thông tin của webinar tại đây.

Tài liệu tham khảo:

  1. Folan B,. (2022 Feb 24). Webinar: Policy into Action: the UNESCO Recommendation on Open Science under the spotlight – actions for publishing. OASPA. https://oaspa.org/webinar-policy-into-action-the-unesco-recommendation-on-open-science-under-the-spotlight-actions-for-publishing/?fbclid=IwAR3KMlA0lbpUdtOmzIUdnLBbqrnxLGhDHsg0PcIa1K4XLINNAU_7_24_w4M
  2. UNESCO Recommendation on Open Science. (2021). UNESCO. https://unesdoc.unesco.org/ark:/48223/pf0000379949.locale=en?fbclid=IwAR2JGqf7SgCG9nT630NQq98KBgBQuqjx4NiT7lmUUY84E4B1HKQE4zownjI
  3. Lê Trung Nghĩa. (2022, Jan 12). Diễn đàn Khoa học và Công nghệ. http://vjst.vn/vn/tin-tuc/5849/khuyen-nghi-khoa-hoc-mo-cua-unesco.aspx?fbclid=IwAR0GLCbEZG0erWOR8ZjngIVHWqMljbu-EItAxjaGLmuC_PqgM-CPF5ytov4
  4. Duong Tu. (2022, Mar 14). Webinar giới thiệu Khuyến nghị của UNESCO về Khoa học mở và triển khai trong xuất bản mở[Facebook status). https://www.facebook.com/groups/LiemChinhKhoaHoc/permalink/672895127290656/
  5. Provisional Adoption of UNESCO Recommendation on Open Science. (2021, Jun 01). LIBER. https://libereurope.eu/article/provisional-adoption-of-unesco-recommendation-on-open-science/
Đăng ngày: 15/03/2022
Tác giả: Tan H. Nguyen
Từ khóa: Khoa học mở, Xuất bản mở, Khuyến nghị khoa học mở

Bình luận