Có thể nói: "công việc nghiên cứu không bao giờ dễ dàng đối với tất cả chúng ta". Ngoài năng lực chuyên môn, bạn cần có thêm những kỹ năng khác để có thể hoàn thiện và công bố bài nghiên cứu của bản thân. Một trong những kỹ năng mà đối với tôi là khó và tốn nhiều thời gian nhất chính là việc lựa chọn một tạp chí phù hợp để nộp bài nghiên cứu. Và tôi tin chắc rằng ít nhiều gì bạn cũng gặp phải khó khăn đó, nhất là những bạn mới bắt đầu. Do đó, trong bài viết này, tôi sẽ tổng hợp lại một số kinh nghiệm của bản thân tôi, cũng như những thông tin mà tôi đã tham khảo từ nhiều nguồn khác nhau về cách lựa chọn tạp chí để nộp bài nghiên cứu tránh những tạp chí săn mồi, kém chất lượng và uy tín.
Tôi bắt đầu viết bài nghiên cứu đầu tiên vào khoảng cuối năm 2015. Khi đó, ngoài những kiến thức mà tôi học được từ những môn học như English Composition 1 & 2; Higher Education Strategies và Learning Resource Center thì mọi thứ khác đối với tôi là một con số 0. Sau khi được giáo sư kiểm tra bản thảo, tôi bắt đầu tìm một tạp chí để nộp bài báo của mình, nhưng công việc ấy không dễ dàng một chút nào. Tôi đã bị từ chối đến tận 05 lần từ các tạp chí thuộc nhà xuất bản Elsevier, IEEE, ACM và Wiley khi bài báo của tôi chỉ mới ở vòng gửi xe. Lý do họ đưa ra trong email từ chối là "bài báo của tôi hoàn toàn không phù hợp với mục tiêu và phạm vi hoạt động tạp chí của họ". Và tôi nghĩ ít nhiều gì thì bạn cũng đã gặp phải vấn đề này như tôi.
Để khắc phục vấn đề này, tôi dành thời gian đọc thật kỹ mục tiêu và phạm vi của từng tạp chí mà tôi mong muốn nộp bài của mình. Công việc này cũng không quá khó khăn, vì ở trang chủ của mỗi tạp chí họ đều ghi rất chi tiết những thông tin này. Chỉ cần nhấn chọn vào mục "Aims and Scope" là chúng ta có thể tìm thấy mọi thông tin cần thiết. Sau đó, đánh giá mức độ phù hợp với bài báo của mình. Theo như kinh nghiệm của tôi, nếu mức độ phù hợp khoảng 8/10 điểm thì chắc chắn bài báo của chúng ta sẽ được chấp nhận để thực hiện các bước tiếp theo.
Có một vấn đề bạn cần lưu ý khi lựa chọn tạp chí đó chính là chất lượng của tạp chí mà bạn muốn nộp có thuộc danh mục ISI hay Scopus hay không. Công việc này cũng khá đơn giản, bạn chỉ cần truy cập vào những trang web sau thì có thể kiểm tra chất lượng của chúng:
Kiểm tra danh mục tạp chí thuộc ISI:
Bước 1: Bạn truy cập vào đường dẫn: http://mjl.clarivate.com/
Bước 2: Gõ từ khóa, ISSN hoặc tên đầy đủ của tạp chí cần tra cứu vào ô tiềm kiếm.
Bước 3: Nhấn Coverage để xem tạp chí thuộc loại nào:
Science Citation Index Expanded là tên đầy đủ của danh mục SCIE;
Science Citation Index là tên đầy đủ của danh mục SCI;
Emerging Sources Citation Index là tên đầy đủ của danh mục ESCI.
Kiểm tra danh mục tạp chí thuộc Scopus, có hai cách để kiểm tra:
Cách 1: Bạn truy cập vào trang chủ của Scopus:
Bước 1: Truy cập vào đường dẫn: https://www.scopus.com/sources
Bước 2: Tại ô Subject area chọn Title
Bước 3: Gõ từ khóa tại ô Enter title và nhấn Find sources.
Cách 2: Truy cập vào trang chủ của ScimagoJR
Bước 1: Truy cập đường link: https://www.scimagojr.com/
Bước 2: Gõ từ khóa, ISSN hoặc tiêu đề tạp chí và nhấn tìm kiếm.
Khi tìm được được thông tin của tạp chí, bạn cần chú ý một số thông tin như: quốc gia hoạt động của tạp chí; đối tượng và phạm vi hoạt động; tạp chí thuộc nhà xuất bản nào; xếp hạng của tạp chí (H-index); loại hình xuất bản; thời gian hoạt động; các đường dẫn đến trang chủ tạp chí; chất lượng tạp chí; số lượng bài báo nộp hàng năm; tỷ lệ bài báo được chấp nhận; số trích dẫn của các bài báo đã công bố... Từ những thông này, bạn có thể đánh giá được mức độ phù hợp bài báo nghiên cứu của bạn với tạp chí. Nếu đạt khoảng từ 8/10 điểm (theo đánh giá tổng thể của bạn) thì chắc chắn bài báo của bạn sẽ được chấp nhận để thực hiện các bước đánh giá tiếp theo.
Sau khi đánh giá được mức độ phù hợp của tạp chí, bạn nên truy cập vào trang chủ của tạp chí mà bạn muốn nộp bài báo để kiểm tra các thông tin khác, bao gồm: thành phần ban biên tập, đơn vị công tác, các bài báo đã công bố, và thời gian hoạt động của họ tại tạp chí để bạn có thể đánh giá liệu thành phần ban biên tập có đủ chuyên môn đánh giá đúng chất lượng bài báo của bạn một cách khách quan, minh bạch hay không.
Nếu mọi thông tin điều đạt mức kỳ vọng của bạn, thì tôi xin chúc mừng bạn đã tìm được một tạp chí phù hợp với bài báo nghiên cứu của bạn rồi đấy. Bây giờ việc tiếp theo cần làm là bạn hãy đọc kỹ hướng dẫn dành cho tác giả để hiểu rõ về cách thức nộp bài báo, quy trình bình duyệt và quy trình công bố bài nghiên cứu, các khoản phí (nếu bạn chọn hình thức công bố có trả phí).
Tóm lại, công việc nghiên cứu chưa bao giờ dễ dàng. Do đó, trước khi bước vào công việc nghiên cứu, bạn nên lập một bản kế hoạch chi tiết cho bản thân để có thể cân đối lượng công việc, thời gian. Nếu có thể, bạn nên dành khoản thời gian đủ để có thể tìm hiểu và lựa chọn một tạp chí phù hợp với bài báo nghiên cứu của mình. Bởi vì khi một bài báo nghiên cứu được công bố, nó sẽ đi theo chúng ta suốt sự nghiệp trong tương lai, nó sẽ thể hiện năng lực chuyên môn và những kỹ năng của bản thân chúng ta trong quá trình theo đuổi công việc học thuật. Ngoài ra, nó còn thể hiện danh dự và mức độ uy tín của chúng ta trong cộng đồng khoa học không chỉ trong nước mà còn trên thế giới.
Tài liệu tham khảo:
Bình luận