Tạp chí săn mồi: Cách nhận dạng

"Tạp chí săn mồi hay tạp chí dỏm" đang là chủ đề nóng trên các diễn đàn học thuật hiện nay. Đây cũng là một trong những vấn nạn mà nhiều bạn bè, đồng nghiệp của tôi thường hay gặp phải khi mới bắt đầu làm nghiên cứu. Riêng bản thân tôi, khi mới bắt đầu tìm hiểu về các tạp chí để nộp bài báo của mình thì cũng không ít lần gặp lời chào mời của những tạp chí săn mồi. Nhưng thật may mắn vào lúc đó, với sự giúp đỡ và hướng dẫn của giáo sư nên tôi đã tránh được những bẫy mà những tạp chí dỏm này giăng sẵn. Vậy tạp chí săn mồi là gì? Những thiệt hại của nó gây ra cho các nhà khoa học như thế nào? Cũng như cách để nhận biết đâu là một tạp chí săn mồi? Tất cả những nội dung này, tôi sẽ cố gắng giải thích một cách chi tiết để các bạn có thể nhận biết và tránh những tạp chí này.

Tạp chí săn mồi (tiếng Anh là Predatory journals) được hiểu một cách đơn giản là những tạp chí giả danh những tạp chí khoa học chuyên xuất bản những bài báo kém chất lượng để hòng lấy tiền những tác giả non trẻ. Những tạp chí này không thuộc bất cứ một hiệp hội khoa học nào, và cũng không có cơ chế bình duyệt bài báo nghiên cứu nghiêm chỉnh, bởi vì họ không quan tâm đến chất lượng khoa học mà chỉ là lợi nhuận. Trên thế giới có hơn 12,000 tạp chí “săn mồi”, và mỗi năm họ công bố hơn 400,000 bài báo với thị trường hơn 74 triệu USD (số liệu thống kê 2014).

d41586-019-03759-y_17468170

Hình 1: Hình minh hoạ | David Parkins

Như thế, qua khái niệm trên, chúng ta sẽ dễ dạng nhận thấy những thiệt hại mà những tạp chí săn mồi này mang lại cho các nhà khoa học, cũng như những tổ chức nghiên cứu không chỉ về mặt tài chính, mà còn ảnh hưởng đến uy tín và chất lượng của những cá nhân, tổ chức. Nghiêm trọng hơn là làm xáo trộn và gây khó khăn trong quá trình xét thưởng, bổ nhiệm trong các đơn vị, tổ chức khoa học. Ngoài ra, nó còn làm ảnh hưởng đến nền khoa học của một quốc gia hoặc trên thế giới bởi những bài báo kém, không đáp ứng được các tiêu chí về chất lượng và liêm chính.

Vậy chúng ta sẽ nhận biết những tạp chí săn mồi này như thế nào khi mà số lượng tạp chí dỏm ngày càng gia tăng?

Theo như một bài viết có tiêu đề "Criteria for Determining Predatory Open-Access Publishers - tạm dịch: Tiêu chí để xác định tạp chí săn mồi có quyền truy cập mở" do Jeffrey Beall công bố vào 01/12/2012 thì ông đã liệt kê ra rất nhiều tiêu chí và chia chúng ra thành 05 nhóm chính như sau:

Ban biên tập và nhân sự:

  • Chủ nhà xuất bản cũng là tổng biên tập;

  • Không có cá nhân nào được liệt kê là tổng biên tập;

  • Tạp chí không có ban biên tập hay nhóm chuyên gia bình duyệt;

  • Không có thông tin về nơi công tác (affiliation) của các thành viên trong ban biên tập;

  • Không có chứng cứ cho thấy ban biên tập hay tổng biên tập có chuyên môn hay tư cách chuyên môn để "gác cổng" học thuật;

  • Thành viên trong ban biên tập có tên trong 2 (hay hơn) tạp chí của cùng nhà xuất bản;

  • Giả tạo danh sách thành viên ban biên tập, tức thành viên ảo, không có ngoài đời. Thỉnh thoảng có tạp chí đưa tên các nhà khoa học danh tiếng vào ban biên tập nhưng họ không hề hay biết.

Quản lý kinh doanh:

  • Thiếu minh bạch trong thương vụ xuất bản;
  • Không có chính sách và qui định về "digital preservation";
  • Phụ thuộc vào ấn phí của tác giả trong việc điều hành nhà xuất bản;
  • Khởi đầu với rất nhiều tạp chí;
  • Cung cấp không đầy đủ thông tin, hay dấu diếm thông tin về ấn phí.

Liêm chính:

  • Tên của tạp chí không nhất quán với sứ mệnh của tạp chí;

  • Tên của tạp chí không phản ảnh đầy đủ nguồn gốc của nó (ví dụ như tạp chí với tên “Canadian” hay “Swiss” trong tên chẳng có liên quan gì đến Canada và Thụy Sĩ);

  • Tạp chí giả mạo rằng có impact factor, hay dùng vài chỉ số chưa được công nhận (như số views);

  • Nhà xuất bản thường gửi email rác đến các nhà khoa học nhờ bình duyệt, và mời nộp bài;

  • Nhà xuất bản nói dối rằng họ có trong danh bạ danh tiếng như ISI và Scopus;

  • Nhà xuất bản không có biện pháp ngăn chặn các hành vi gian lận như đạo văn, tự đạo văn, đạo đức...;

  • Nhà xuất bản yêu cầu tác giả chính đề cử chuyên gia bình duyệt, và sử dụng các chuyên gia đó mà không xem qua thành tích khoa học của họ.

Những yếu tố khác:

Một tạp chí săn mồi có thể:

  • Công bố những bài báo đã được công bố trên các tạp chí khác mà không hề ghi nguồn trích dẫn;

  • Dùng ngôn ngữ thậm xưng như "leading publisher" dù nhà xuất bản chỉ mới ra đời;

  • Thường có địa chỉ ở các nước như China, Ấn Độ, Phi châu, hoặc có địa chỉ ở một nước phương Tây nhưng công bố bài ở các nước đang phát triển;

  • Không biên tập bài báo, hay biên tập rất tối thiểu;

  • Công bố những bài báo chẳng có gì là học thuật tính, nhưng luận văn phổ thông hay dành cho đại chúng;

  • Có địa chỉ liên lạc "contact us" nhưng chỉ dưới hình thức trực tuyến mà không có địa chỉ email hay địa chỉ bưu điện.

Ngoài ra, các tác giả cần lưu ý một số hành động sau đây cho thấy một tạp chí có thể là tạp chí săn mồi:

  • Nhà xuất bản sao chép nguyên văn phần hướng dẫn cho tác giả ("authors guidelines") của các nhà xuất bản nổi tiếng khác;

  • Nhà xuất bản cung cấp không đầy đủ thông tin để liên lạc, như không cho biết tổng hành dinh ở đâu;

  • Nhà xuất bản xuất bản những tạp chí có cái tên rất chung chung (như Journal of Education) để thu hút nhiều bản thảo và để tăng thu nhập;

  • Nhà xuất bản xuất bản nhưng tạp chí hỗn hợp giữa 2 hay nhiều lĩnh vực (như International Journal of Business, Humanities and Technology);

  • Nhà xuất bản đòi tác giả chuyển nhượng bản quyền và giữ tác quyền về nội dung của tạp chí. Hoặc tạp chí đòi tác quyền ngay khi nộp bài báo;

  • Nhà xuất bản không duy trì website tốt, hay website có những đường dẫn không truy cập được, sai tiếng Anh...;

  • Nhà xuất bản dùng các hình ảnh từ các website khác một cách bất hợp pháp;

  • Nhà xuất bản gửi nhiều email rác đến các nhà khoa học để tìm tác giả, người bình duyệt, và thành viên ban biên tập.

  • Nhà xuất bản dùng các email có địa chỉ như gmail.com, yahoo.com, hotmail.com...;

  • Nhà xuất bản không có chính sách về Open Access, hay hiểu sai nguyên lí của Open Access;

  • Nhà xuất bản không có chính sách về rút lại bài báo, không có chính sách chỉnh sửa khi bài báo có sai sót;

  • Nhà xuất bản không có số ISSN và DOI;

  • Nhà xuất bản thường dùng những cái tên như Network, Center, Association, Institute...;

  • Nhà xuất bản có quá nhiều quảng cáo trên trang web và gây ảnh hưởng đến việc đọc thông tin trên trang web;

  • Nhà xuất bản không phải là thành viên của hiệp hội nào để dễ kiểm tra;

  • Nhà xuất bản có khi đường dẫn vào website của các hội nghị nghiêm chỉnh, làm như có liên quan đến các hội đoàn chuyên môn đó;

  • Nhà xuất bản thường hứa công bố nhanh và bình duyệt nhanh;

  • Nhà xuất bản tập trung vào tác giả (chứ không phải độc giả) và ấn phí. Họ không quan tâm đến chất lượng, mà chỉ quan tâm đến tiền;

  • Nhà xuất bản thật ra chỉ là một cá nhân có thể có kinh nghiệm trong kinh doanh, nhưng không có kinh nghiệm gì trong xuất bản khoa học;

  • Nhà xuất bản sao chép tên tạp chí từ các nhà xuất bản khác;

  • Chẳng ai trong ban biên tập từng công bố trên các tạp chí trong ISI hay Scopus.

Ngoài ra còn có một yếu tố khác mà bạn có thể nghĩ ngay một tạp chí có thể là tạp chí săn mồi chính là quy trình bình duyệt bài báo rất nhanh. Trong email liên lạc với bạn, họ luôn luôn nhắc đến ấn phí và dùng những từ ngữ mang tính chất đe doạ như "nếu không nộp ấn phí sẽ bị từ chối". Trong những trường hợp như thế này, bạn không nên nộp ấn phí ngay lập tức cho những tạp chí này mà hãy giữ bình tĩnh và tìm hiểu kỹ các thông tin về tạp chí đó. Nên so sánh lại với các tiêu chí bên trên để xác định lại tạp chí đó có phải là tạp chí săn mồi hay không?

Hy vọng với những thông tin trong bài viết này, các bạn có thể phân biết được đâu là tạp chí uy tín, đâu là tạp chí săn mồi để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra gây ảnh hưởng đến bản thân mình, cũng như tổ chức mà bạn đang công tác.

Tài liệu tham khảo:

  1. Beall J,.(2012, Dec 01). Criteria for Determining Predatory Open-Access Publishers. Scholarlyoa. https://scholarlyoa.com/criteria-for-determining-predatory-open-access-publishers-2nd-edition/ 
  2. Tuan V. Nguyen,. (2020, Nov 08). Cần thay đổi gì trong việc xét duyệt chức danh giáo sư?. Tuổi Trẻ Cuối Tuần. https://nguyenvantuan.info/tag/tap-san-dom/
  3. Tuan V. Nguyen. (n.d). Tiêu Chí Để Nhận Dạng Tập San Khoa Học Dỏm. Trường đại học Tôn Đức Thắng. https://science.tdtu.edu.vn/tieu-chi-de-nhan-dang-tap-san-khoa-hoc-dom
  4. Grudniewicz A., Moher D., Cobey K. D. (2019, Dec 11). Predatory journals: no definition, no defence. Nature 576, 210 - 2012 (2019). https://doi.org/10.1038/d41586-019-03759-y
  5. Toutloff L. (2019, Mar 20). Cabells Predatory Reports Criteria v 1.1 [Cabells Predatory Reports]. Cabells. https://blog.cabells.com/2019/03/20/predatoryreport-criteria-v1-1/?fbclid=IwAR1G1fBt-Z6VCGVwzkLPvXYam_scDKL7FwQmfeSlD02Z-MxNysqrQdU54sg
  6. Are you submitting your research to a trusted journal? Is it the right journal for your work?. (n.d). Think Check Submit. https://thinkchecksubmit.org/journals/?fbclid=IwAR2GV63qusvz4YDzRGJDjPr7XDm-kYwIEa6ntxE7gCqDh1rZvqIsEWAgtp4
Đăng ngày: 14/01/2022
Tác giả: Tan H. Nguyen
Từ khóa: Tạp chí săn mồi, Tạp chí dỏm

Bình luận